Bảo lãnh tín dụng

1. Đối tượng được bảo lãnh tín dụng:

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa họat động trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo quy định của pháp luật hiện hành, vay vốn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng thành lập và họat động theo Luật các tổ chức tín dụng.

2. Điều kiện để được bảo lãnh tín dụng:

– Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh thẩm định là có hiệu quả, có khả năng hòan trả vốn vay.

– Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khỏan vay.

– Có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.

– Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có khỏan nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức kinh tế khác.

3. Thời hạn bảo lãnh:

Phù hợp với thời hạn vay vốn đã thỏa thuận giữa doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Thời hạn bảo lãnh có thể được gia hạn cho đến khi doanh nghiệp thực hiện hòan tất nghĩa vụ trả nợ cho tổ chức tín dụng (bao gồm thời gian gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giãn nợ).

4. Phí bảo lãnh:

Phí bảo lãnh tín dụng bằng 5%/năm tính trên số tiền được bảo lãnh và thời hạn bảo lãnh.

5. Tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ được bảo lãnh:

a) Tài sản bảo đảm:

– Trường hợp vay vốn trung dài hạn thực hiện dự án đầu tư: Doanh nghiệp được dùng tài sản hình thành trong tương lai của dự án đầu tư để thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Doanh nghiệp phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố ban đầu tại Quỹ bảo lãnh tối thiểu bằng 15% giá trị khỏan vay.

– Trường hợp vay vốn trung dài hạn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh: Doanh nghiệp phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố ban đầu tại Quỹ bảo lãnh tối thiểu bằng 15% giá trị khỏan vay.

Trường hợp tài sản hình thành trong tương lai không đủ điều kiện để bảo đảm cho nghĩa vụ được bảo lãnh, Quỹ bảo lãnh xem xét, áp dụng các hình thức bảo đảm khác cho bảo lãnh đúng theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Đối với tài sản hình thành trong tương lai thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp phải thực hiện mua bảo hiểm tài sản trong suốt thời hạn bảo lãnh theo quy định.

Đối với các dự án mà ngoài nguồn vốn vay được bảo lãnh còn có các nguồn vốn khác tham gia đầu tư thì tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh là tổng giá trị tài sản của dự án hình thành trong tương lai bao gồm các nguồn vốn khác tham gia đầu tư dự án.

b) Trong thời hạn bảo lãnh, doanh nghiệp không được cho, tặng, bán, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh hoặc sử dụng tài sản bảo đảm để cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh vay vốn cho bên thứ ba khi nghĩa vụ được bảo đảm chưa chấm dứt hoặc chưa có biện pháp bảo đảm khác thay thế để bảo đảm nghĩa vụ cho Quỹ bảo lãnh.

c) Trình tự và thủ tục bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng đối với Quỹ bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay, giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm.

d) Khi doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn trả nợ vay bắt buộc đối với Quỹ bảo lãnh, Quỹ bảo lãnh được quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để thu hồi số tiền đã trả nợ thay cho doanh nghiệp.