Giải pháp tài chính đóng vai trò quan trọng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, trên cơ sở các trụ cột ưu tiên quốc gia và Kế hoạch hành động Cebu, “Tài chính và bảo hiểm cho rủi ro thiên tai” được lựa chọn là một trong những chủ đề ưu tiên của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017.
Do vậy, hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn tập trung thảo luận về tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực giải quyết hậu quả rủi ro thiên tai và giảm thiểu gánh nặng chi ngân sách cũng như rủi ro đối với tài sản nhà nước.
Hội thảo cũng hướng tới việc xây dựng chương trình giải pháp tài chính rủi ro thiên tai và các mô hình đánh giá rủi ro thiên tai nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đồng quan điểm nhận định, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Trong vòng 10 năm (2005-2014), khu vực này đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên, chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu. Đã có gần 500 nghìn người thiệt mạng; 1,4 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên, chiếm 80% những người bị ảnh hưởng trên toàn cầu. Thiệt hại về vật chất trong giai đoạn này lên đến 520 tỷ USD, tương đương 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra.
Nằm trong khu vực, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm.
Với đặc điểm khí hậu, địa chất dễ xảy ra thiên tai, các nền kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đã chú trọng xây dựng và triển khai các biện pháp về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó có các giải pháp về tài chính, như xây dựng các quỹ thiên tai quốc gia; sử dụng nguồn dự trữ quốc gia, dự phòng tài chính; hay thực hiện miễn giảm thuế cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của thiên tai và ngoài ra các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm thiên tai cũng đã được áp dụng.
Ông Nguyễn Viết Lợi phát biểu, trong tổng thể các giải pháp về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các giải pháp tài chính đóng vai trò quan trọng. Việc xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai là rất cần thiết. Trong đó, giải pháp về bảo hiểm là một công cụ hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách cho chính phủ, chuyển giao rủi ro ra thị trường mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai.
Đối với Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cũng đã chú trọng xây dựng, triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch và chính sách phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai làm cơ sở cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và giải pháp triển khai chi tiết. Năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống thiên tai. Đây là khuôn khổ pháp lý cao nhất đối với hoạt động phòng, chống thiên tai, trong đó, chú trọng vào các nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.
Chú trọng các chính sách bảo hiểm cho rủi ro thiên tai
Tại hội nghị, Việt Nam cũng chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm về chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, các sáng kiến này của Việt Nam được đại biểu quốc tế đánh giá cao. Trong đó, có nhóm chính sách liên quan đến thu ngân sách, sử dụng các quỹ và các công cụ bảo hiểm.
Theo đó, các chính sách thu ngân sách đối với rủi ro thiên tai mang tính chất khắc phục hậu quả sau thiên tai thông qua việc miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí nhằm giảm bớt chi phí đối với các tổ chức, cá nhân phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, tạo điều kiện để họ có thể khôi phục sản xuất, đời sống.
Giai đoạn 2011-2015, bên cạnh nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương, tổng số hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh là 11.239 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng nguồn dự phòng ngân sách trung ương).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã sử dụng kịp thời nguồn dự trữ quốc gia cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai: xuất cấp lương thực, thuốc men, giống cây trồng… cho các địa phương bị thiệt hại.
Giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị hàng đã xuất cấp để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuốc thú y, giống cây trồng… là trên 4.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm trên 47.000 tấn gạo cho các địa phương để cứu đói cho người dân vùng bị thiên tai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Lợi cũng bày tỏ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng đến nay việc xây dựng và thực thi các giải pháp tài chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ hiệu quả cho việc phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hầu hết các giải pháp đang được áp dụng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Chính phủ mà chưa thực hiện nhiều các biện pháp chuyển giao rủi ro.
Vì vậy, giải pháp lâu dài Việt Nam sẽ quan tâm thực hiện các chính sách bảo hiểm cho rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay chưa có các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai riêng biệt. Rủi ro thiên tai được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai phổ biến như là một nội dung rủi ro mở rộng trong các đơn nghiệp vụ bảo hiểm tài sản (bảo hiểm cháy và rủi ro đặc biệt, bảo hiểm mọi rủi ro công nghiệp, bảo hiểm mọi rủi ro tài sản…), đơn bảo hiểm con người hoặc bảo hiểm nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi).
“Thực tế cho thấy, với trên 800 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thuộc cả 3 đối tượng là bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm và bảo hiểm con người mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai đều có mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với các rủi ro thiên tai… Đây là tiền đề để phát triển hoạt động bảo hiểm liên quan đến rủi ro thiên tai…”, ông Nguyễn Viết Lợi cho hay./.