Bộ Tài chính đã có văn bản số 12066/BTC-TCNH ngày 06/9/2012 xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Một trong những nội dung dự kiến sửa đổi đó là việc quy định Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (Quỹ) được xếp hạng như công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước.
Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đầu tiên được thí điểm thành lập ở Tp. Hồ Chí Minh năm 1997, nay là Công ty Đầu tư tài chính Tp. Hồ Chí Minh. Sau hơn 10 năm thực hiện thí điểm, mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều địa phương và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Để tạo hành lang pháp lý thống nhất cho các Quỹ hoạt động, ngày 28/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (Nghị định 138). Qua quá trình triển khai Nghị định số 138 cho thấy, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (Quỹ) hoạt động ngày càng hiệu quả và đã trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến năm 2011, cả nước đã có 28 địa phương thành lập Quỹ với mục tiêu huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện cho vay, đầu tư trực tiếp các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội địa phương. Hoạt động của Quỹ chủ yếu tập trung vào cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp, trong đó cho vay là hoạt động chính. Tính đến hết năm 2011: tổng số dư nguồn vốn hoạt động đến hết năm 2011 đạt trên 15.000 tỷ đồng; khoảng 4.300 dự án, chương trình đã được vay vốn từ 28 Quỹ với tổng số vốn vay đạt gần 25.000 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2005; tổng vốn đầu tư trực tiếp của các Quỹ giai đoạn 2007-2011 đạt gần 7.000 tỷ đồng. Thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp, các Quỹ cũng đã bước đầu thu hút được nguồn vốn tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, bước đầu hình thành mô hình đối tác công – tư (PPP).
Bên cạnh đó, hoạt động của các Quỹ cũng đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường vốn trong nước.
Ngoài các kết quả tích cực nêu trên, quá trình triển khai Nghị định 138 còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể:
– Nguồn vốn hoạt động của Quỹ còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cao, cần vay vốn hoặc đầu tư khối lượng vốn lớn; phương thức huy động vốn chưa đa dạng và phong phú.
– Hoạt động cho vay còn hạn chế, đối tượng cho vay chưa tập trung, dàn trải, quy mô vốn cho vay trung bình thấp, chất lượng tín dụng của một số Quỹ chưa cao.
– Hoạt động đầu tư trực tiếp còn nhiều hạn chế do việc xác định phương thức và biện pháp triển khai của Quỹ còn lúng túng, thiếu tính linh hoạt, khả năng thoái vốn, chuyển đổi hoạt động còn hạn chế.
– Tổ chức bộ máy hoạt động của một số Quỹ còn chưa hoàn thiện, cơ cấu tổ chức chưa chuyên nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu và thiếu.
– Vai trò chỉ đạo, phối hợp, kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương, Hội đồng quản lý và Ban kiểm soát tại một số Quỹ chưa hiệu quả do chế độ làm việc kiêm nhiệm, nhiều trường hợp có sự can thiệp sâu của các ban, ngành ở địa phương vào hoạt động chuyên môn của Quỹ.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên phần lớn bắt nguồn từ một số quy định pháp lý liên quan đến tổ chức và cơ chế hoạt động của Quỹ chưa thực sự rõ ràng. Điều này làm giảm tính hiệu quả trong hoạt động của các Quỹ và gây ra những vướng mắc trong khi triển khai thực hiện. Một số vướng mắc chủ yếu như sau:
– Việc quy định đối tượng cho vay và đầu tư như Nghị định 138 còn chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến cách hiểu và thực hiện ở mỗi địa phương khác nhau và nhiều trường hợp dẫn đến cho vay không đúng đối tượng.
– Lãi suất cho vay: Nghị định 138 chỉ quy định cho vay theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước. Trên thực tế, một số dự án hạ tầng kinh tế – xã hội do UBND cấp tỉnh chỉ định đầu tư với lãi suất thấp hơn mức lãi suất tín dụng nêu trên mà không có cam kết cấp bù phần chênh lệch giữa lãi suất chỉ định và lãi suất cho vay của Quỹ nên ảnh hưởng đến tính an toàn, làm tăng rủi ro tín dụng và không phù hợp với nguyên tắc bảo toàn vốn của Quỹ.
– Về địa vị pháp lý và cơ chế tài chính của Quỹ: Nghị định 138 chưa quy định rõ ràng về địa vị pháp lý của Quỹ nên một số Quỹ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, cơ chế lương, thưởng, phúc lợi. Một số Quỹ áp dụng cơ chế tuyển dụng như công chức, một số Quỹ lại áp dụng cơ chế tuyển dụng như doanh nghiệp. Đối với cơ chế tiền lương, một số Quỹ áp dụng cơ chế lương, thưởng theo Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, một số Quỹ áp dụng theo Công ty nhà nước.
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế và vướng mắc nêu trên, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 138 với những nội dung dự kiến như sau:
(i) Về hoạt động cho vay các dự án
– Về đối tượng cho vay, đầu tư trực tiếp: để đảm bảo quy định về đối tượng cho vay, đầu tư trực tiếp rõ ràng, thống nhất giữa các Quỹ, đồng thời nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của Quỹ trong việc quyết định cho vay các dự án, cơ quan soạn thảo dự kiến quy định việc UBND cấp tỉnh sẽ ban hành một Danh mục các lĩnh vực hạ tầng kinh tế – xã hội ưu tiên phát triển của địa phương để làm cơ sở cho Quỹ thực hiện cho vay và đầu tư trực tiếp.
– Về lãi suất cho vay: dự kiến sẽ được xác định theo nguyên tắc phù hợp với chi phí đầu vào của Quỹ, gồm: vốn huy động đầu vào, phí quản lý, mức độ ưu đãi và khả năng ngân sách của địa phương. Hàng năm, UBND cấp tỉnh quyết định khung lãi suất cho vay căn cứ trên nguyên tắc nêu trên và Quỹ sẽ quyết định lãi suất cho vay đối với từng dự án.
– Về giới hạn cho vay: dự kiến nâng mức giới hạn cho vay tối đa đối với một dự án từ 15% lên 20% vốn hoạt động.
(ii) Về nghiệp vụ nhận ủy thác: Quỹ sẽ được nhận ủy thác quản lý hoạt động của các định chế tài chính khác của địa phương như: Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ phát triển đất,… theo quy định hiện hành.
(iii) Về quy định xếp hạng đối với Quỹ và cơ chế tài chính của Quỹ.
Để đảm bảo phù hợp với tính chất hoạt động, đảm bảo sự đồng bộ và rõ ràng, tạo cơ sở cho Quỹ xây dựng các cơ chế về tuyển dụng, lương, thưởng, phúc lợi,… Bộ Tài chính đề xuất xếp hạng của Quỹ như đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và thuộc nhóm ngành công ty tài chính.
Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 138 trình Chính phủ sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị.