Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện: Tạo tiền đề phát triển dài hạn cho ngành Quỹ

Thứ Sáu, 24/02/17 17:45 +07:00
(TBTCVN) – Không đơn thuần là một sản phẩm đầu tư, mà dự kiến đến năm 2018, khi Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện (HTBSTN) được hình thành sẽ tạo bước đột phá trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
le ky
Lễ ký kết bản ghi nhớ phát triển, cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân và giám sát cho Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện giữa 3 đơn vị VSD, BIDV, VFM.

Do vậy, việc thành lập quỹ này đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng thêm các trụ cột cho hệ thống an sinh xã hội bên cạnh trụ cột truyền thống là Bảo hiểm Xã hội; đồng thời tạo tiền đề phát triển dài hạn cho ngành Quản lý quỹ.

Thêm cơ hội để tăng phúc lợi khi về hưu

Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP, chính thức mở ra cơ hội cho Quỹ HTBSTN đầu tiên tại Việt Nam chào đời. Theo đó, bản chất hoạt động của Quỹ HTBSTN là người lao động và/hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp vào các tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí để quỹ thực hiện đầu tư, trên cơ sở kết quả đầu tư quỹ hưu trí chi trả cho người lao động theo số tiền đóng góp và lợi nhuận do hoạt động đầu tư mang lại.

Hay nói một cách khác, Quỹ HTBSTN là một loại sản phẩm tài chính mà người tham gia đóng góp tiền vào quỹ sẽ được nhận chi trả từ quỹ khi đến tuổi nghỉ hưu. Số tiền hưu trí mà mỗi cá nhân được hưởng phụ thuộc vào tổng số tiền đóng góp của chính mình và hiệu quả đầu tư của quỹ.

Theo các chuyên gia, sự phát triển của các Quỹ HTBSTN sẽ giúp đối phó với việc gia tăng độ tuổi trung bình dân số và các vấn đề không thể tránh khỏi của lương hưu theo luật định. Mặt khác, việc thành lập quỹ này sẽ tạo thêm nguồn cầu đáng kể đối với thị trường tài chính nói chung và cổ phần hoá nói riêng. Đồng thời, việc hình thành Quỹ HTBSTN sẽ góp phần giảm áp lực cho quỹ Bảo hiểm xã hội. Đặc biệt hơn, việc này cũng góp phần xây dựng cho Việt Nam một hệ thống an sinh xã hội tiên tiến dựa trên mô hình đa trụ cột, là hệ thống đã được công nhận là sẽ góp phần gia tăng an sinh cho người lao động.

Riêng với ngành Quản lý quỹ, thành lập quỹ HTBSTN có tác động dài hạn tới hoạt động của ngành. Với tình hình cụ thể hiện nay, ngành Quản lý quỹ Việt Nam đã đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực và vật lực để thành lập quỹ HTBSTN. Nếu triển khai thành công, Quỹ HTBSTN có thể sẽ tạo tiền đề phát triển dài hạn cho ngành Quản lý quỹ.

ong minh

“Ngay từ năm 2017, khi Bảo hiểm Xã hội bắt đầu áp dụng trần đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm Xã hội, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tiết kiệm và đầu tư để có thể tạo thu nhập bổ sung sau khi nghỉ hưu là có và ngày càng gia tăng. Các cá nhân có thu nhập từ trung bình trở lên, đã có thời gian làm việc khoảng 10 năm và dài hơn là nhóm có sự quan tâm lớn tới việc tiết kiệm cho hưu trí.”

Ông Trần Lê Minh,
Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam

 

Bắt đầu khởi động…

Sau Nghị định 88/2016/NĐ-CP, mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và  Ngân hàng Đầu tư và
Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết bản ghi nhớ phát triển, cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân và giám sát cho Quỹ HTBSTN. Theo đó, các bên thống nhất sẽ cùng hợp tác để phát triển phần mềm quản lý tài khoản cá nhân cho các đối tượng tham gia vào Quỹ HTBSTN tại VSD và cơ chế chia sẽ thông tin để BIDV cung cấp dịch vụ giám sát cho các quỹ hưu trí.

Ông Dương Văn Thanh, Tổng Giám đốc VSD cho rằng, để hình thành Quỹ HTBSTN cần có các dịch vụ để cung cấp ra thị trường, do đó, việc VSD, BIDV và VFM cùng phối hợp xây dựng các dịch vụ cần thiết là bước mở đầu thiết yếu cho việc hình thành quỹ. “Đây cũng là một dấu mốc về nỗ lực của tất cả các bên trong việc đưa các chính sách mới của Chính phủ trở thành các hoạt động thực tế trên thị trường”, ông Thanh cho hay.

Theo ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc VFM, sự kiện này đánh dấu một nỗ lực chung của tất cả các bên trong việc xây dựng hạ tầng cho việc triển khai sản phẩm Quỹ HTBSTN. Với sự hỗ trợ của VSD và BIDV, VFM có thể tự tin về chất lượng dịch vụ và vận hành của sản phẩm quỹ hưu trí khi được triển khai thực tế trong thời gian tới.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ Trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc triển khai này không hề đơn giản, nên VSD, BIDV và VFM là người mở đầu cho triển khai sẽ gặp không ít thách thức trong giai đoạn sắp tới. “Tôi hy vọng rằng, dù khó khăn nhưng với quyết tâm triển khai chúng ta sẽ thành công. Hy vọng 10 năm nữa, chúng ta sẽ có một hệ thống Quỹ HTBSTN với quy mô khoảng 100 – 200.000 tỷ đồng”, bà Hiền nói.

Post Author: hatho